Cách lựa chọn giáp bảo hộ như thế nào cho chuẩn?

Lời nói đầu

Trên thị trường đồ bảo hộ hiện có rất nhiều chủng loại, nào là giáp vải, giáp da, giáp nhựa, vân vân… Tuy nhiên không phải ai cũng biết chọn cho mình một bộ đồ như thế nào cho chuẩn với cách chạy, để đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất. Bài viết này của Joker Helmet Shop sẽ giúp các bạn lựa chọn được bộ giáp chuẩn nhất.

Chọn giáp theo kiểu loại xe hay chọn giáp theo cách chạy và tính chất con đường?

Đa số trong chúng ta vẫn thường lựa chọn giáp theo kiểu loại xe, thường là nhìn các biker nước ngoài mặc và mặc theo một cách máy móc, ví dụ như sportbike thì mặc giáp da, cào cào thì mặc quần áo vải mỏng, adventure thì mặc gore-tex / cordura, v.v… mà không hề hiểu rõ tại sao họ lại mặc như vậy. Bằng chứng là có những người chạy cào cào độ supermoto ngoài đường nhựa nhưng lại mặc bộ đồ vải bên ngoài và giáp cứng của cào cào bên trong, nghĩ rằng mình biết chơi mà không hề biết rằng như thế là hoàn toàn sai lầm.

Trước hết, chúng ta cần phải biết rằng mỗi loại giáp sản xuất ra đã được tính toán theo tính chất của cung đường. Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì:

  • Sportbike, naked bike, supermoto, v.v… thường được gọi là street bikes, nghĩa là xe chạy phố. Phố thì có đặc điểm gì? Đó là mặt đường nhựa! Mặt đường nhựa thì thường cứng, thô nhám và ma sát cực lớn. Khi chạy phố nếu không may bị xòe thì người và xe sẽ dễ bị trượt dài trên mặt đường và làn da thịt mỏng manh sẽ phải hứng trọn sự ma sát ấy. Chính vì vậy, giáp cho các dòng xe chạy đường nhựa này thường được làm bằng da, bởi vì chất liệu da thường rất dầy và dai, cộng với giáp cao su mềm chứ không phải giáp nhựa cứng, và các vị trí trọng yếu (vai, khuỷu/cùi chỏ, v.v…) thường được gia cố thêm bằng các tấm ốp nhựa hoặc kim loại để chống chịu được ma sát. Nếu giáp bằng vải thì thường bên trong sẽ có lớp vải kevlar (vải siêu bền may áo chống đạn) để chịu bào mòn tốt hơn vải thông thường. Nếu không có những loại giáp chống ma sát này thì kết cục thường là trợt cả mảng da và còn khó điều trị hơn cả chấn thương thông thường.
  • Cào cào: Cào cào được gọi là dirt bike, với chữ dirt có nghĩa là bùn đất (không phải như nhiều người viết nhầm là dirty có nghĩa là “bẩn” đâu nhé) đủ để nói lên tính chất cung đường của những người chơi cào cào, đó là chui vào đường đất, đá, sình, lầy, rừng, bãi cỏ,… Cung đường này thường sẽ ít ma sát, nhưng khi đã xòe thì lại hay bị va đập mạnh vào gốc cây, vào đá. Chính vì vậy đồ bảo hộ cho cào cào off-road thường là giáp nhựa cứng ở trong, giầy rất cao và rất cứng để chống va đập, kính cào cào có viền ôm sát mắt để chống cát bụi và nước lọt vào mắt, còn đồ vải phủ bên ngoài chỉ có tác dụng chống bẩn, và phải lòe loẹt để không bị lẫn vào cây cối nếu trong trường hợp gặp nạn cần cứu hộ thì sẽ dễ tìm thấy hơn. Nếu vào rừng mà mặc bộ camo rằn ri như ngụy trang thì chẳng khác gì tự hại mình. Còn nếu đi cào cào mà không off-road, chỉ đi đường nhựa thì vẫn phải mặc đồ như street bike chứ không phải đồ dirt bike.
  • Adventure: Đặc điểm của adventure là lúc thì đường nhựa, lúc thì off-road, phần lớn thời gian ở trên đường nhựa, nên lẽ ra đồ của adventure cũng phải như đồ street bike. Tuy nhiên do tính chất adventure sinh ra để đi những cung đường dài, nên không thể dùng những bộ đồ da nóng nực bó sát vì rất nhanh mỏi mệt. Đồ của adventure thường được làm bằng vải dầy chống ma sát và chống mưa như gore-tex hoặc cordura, giáp cứng, thoáng mát và nhiều túi.
  • Các loại xe khác cũng tuân theo quy tắc như trên, nghĩa là chọn đồ theo tính chất của mặt đường.

Hi vọng sau bài viết này, anh em sẽ chọn được giáp phù hợp với loại xe và kiểu chạy của mình, để ăn mặc không chỉ điệu mà còn sành. Joker Helmet Shop cũng đã có bài về cách chọn mũ bảo hiểm phù hợp loại xe và kiểu chạy, anh em hãy bấm vào đây để đọc.

Bài viết là chia sẻ dựa trên kinh nghiệm thực tế của chủ shop, nếu đăng lại xin vui lòng ghi rõ nguồn: Joker Helmet Shop.

Tagged ,
X