Trong suốt thời gian 5 năm bán hàng của mình, Joker Helmet Shop đã có cơ hội được tiếp xúc với hàng nghìn lượt khách hàng và nhận thấy đại đa số người chơi xe vẫn chưa phân biệt được đúng từng loại mũ bảo hiểm khác nhau như thế nào, và nhất là mũ bảo hiểm nào thì nên dùng với xe gì. Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt được các dòng mũ phổ biến và giúp bạn lựa chọn được chiếc mũ bảo hiểm phù hợp với dòng xe mình đi.
1. Mũ racing – chuyên dụng cho đường đua và tốc độ cao:
Mũ racing (hay Track-day / track / race helmet trong tiếng Anh) là các loại mũ có độ an toàn cao nhất, được thiết kế để dùng cho mục đích chạy tốc độ cao dù là ngoài đường phố hay trong trường đua. Các loại mũ racing thường có các đặc điểm sau:
– Lớp lót rất dày, ôm chặt mặt, thậm chí bóp sát má để bảo đảm an toàn nhất. Cũng vì yếu tố an toàn ưu tiên đặt lên hàng đầu, nên yếu tố thoải mái sẽ bị xếp sau.
– Khóa thường thấy ở mũ racing là dạng Double D-Ring.
– Khe gió thiết kế cao trên đỉnh đầu để hút gió ở vị trí núp bình xăng chứ không phải ở vị trí ngồi thẳng. Số lượng khe gió cũng ít hơn để tránh hiện tượng gió rít ảnh hưởng thính lực (có lúc có thể lên tới hơn 100dB).
– Kính thường có cả khóa gắn tấm chống sương (hay được gọi là Pinlock, tham khảo lý do tại sao gọi là Pinlock tại video này) lẫn khóa gắn miếng tear-off (là miếng film trong suốt phủ ra bên ngoài kính để khi bám bẩn có thể bóc ra thật nhanh không ảnh hưởng tới kính).
– Thường là dòng cao cấp nhất của các hãng mũ và có giá cao nhất.
Vì các lý do trên, nên mũ racing phù hợp nhất với tư thế lái úp mặt vào bình xăng và chạy gần, bởi nó bóp chặt không thoải mái.
Các đại diện tiêu biểu của dòng mũ racing thường gặp ở thị trường Việt Nam: AGV Pista, Shoei X-14, Arai RX7X (Corsair V), HJC RPHA11
Sử dụng tốt nhất cho: Sportbike, naked bike
Mục đích sử dụng: Chạy tour ngắn, chạy track (trường đua), chạy tốc độ cao.
2. Mũ đa dụng, cân bằng giữa racing / đường phố / hàng ngày:
Vì không phải biker nào cũng chỉ chạy phố hoặc chỉ chạy trường đua, mà còn có những người hay chạy phố và có đôi lúc vào trường đua nhưng chỉ muốn dùng 1 chiếc mũ duy nhất, đó là lý do loại mũ đa dụng cân bằng giữa racing/đường phố tồn tại (trong tiếng Anh gọi là Street helmet). Các loại mũ này thường mang đặc điểm của mũ racing chạy đường đua nhưng được thêm bớt một số tính năng cho phù hợp với chạy ngoài đường phố như:
– Độ bóp mặt của lớp lót nhẹ nhàng hơn, giúp người đội thoải mái hơn.
– Có thêm nhiều khe gió hơn, có thể có thêm khe gió để hút gió ở vị trí ngồi thẳng.
– Thường không có chỗ gắn tấm tear-off.
Dòng mũ này thường là dòng xếp ngay sau dòng racing, có giá mềm hơn, tiêu biểu như: AGV Corsa, Shoei Z7 (RF-1200), Arai Vector (Quantum J), HJC FG-17.
Sử dụng tốt nhất cho: Sportbike, naked bike
Mục đích sử dụng: Chạy tour ngắn, chạy đi làm xa (commuting), thi thoảng chạy track (trường đua), chạy tốc độ cao.
3. Mũ sport touring:
Để đáp ứng cho nhu cầu chạy tour dài tốc độ cao thì dòng mũ sport touring được ra đời. Dòng mũ này thường là dạng mũ full face không lật được hàm, có thêm kính râm bên trong để có thể dùng được cả ban ngày khi trời nắng lẫn ban đêm khi trời tối mà không cần thay kính liên tục, khí động học tốt, không cản gió. Thông thường loại mũ sport touring ít bóp sát mặt hơn và có lớp lót mềm mại hơn, khe gió thoáng mát hơn.
Các đại diện tiêu biểu: AGV K3 SV / K5, Shoei GT-Air, Arai Astral X, HJC RPHA-ST / FG-ST / IS-17
Sử dụng tốt nhất cho: Naked bike, sport touring bike như Kawasaki Z1000SX, BMW S1000XR, Ducati Super Sport,…
Mục đích sử dụng: Chạy tour dài, chạy tốc độ cao, cần sự thoải mái mũ ôm nhẹ nhàng dễ lưu thông máu, không off-road.
4. Mũ lật hàm / modular / flip up:
Mũ lật hàm sinh ra cho mục đích chạy tour dài ngày tốc độ không quá gắt, hoặc những ai cần sự thoải mái, bởi nó có thể lật phần hàm lên rất thoáng mát và thường có kính râm ở trong. Loại mũ này cũng ít khi ôm chặt vào mặt nên không bí, máu lưu thông dễ dàng.
Đại diện tiêu biểu: AGV Numo, Shoei NeoTec, HJC RPHA MAX / IS MAX, Shark Evoline,… riêng Arai không sản xuất dòng mũ lật hàm.
Sử dụng tốt nhất cho: Xe touring, adventure, cruiser như BMW GS, Honda GoldWing, Harley Davidson,…
Mục đích sử dụng: Chạy dạo phố, chạy tour dài tốc độ thư thái trên đường nhựa, không off-road.
5. Mũ thể thao đa dụng dual sport / adventure / touring:
Dòng mũ này thường hay bị nhầm lẫn gọi là mũ cào cào do có mái che. Tuy nhiên, nó không phải mũ cào cào, dù nó có thể tháo bỏ kính gió để dùng khi off-road (lý do vì sao off-road cần tháo bỏ kính sẽ nói ở dưới). Phần hàm của mũ dual sport thường không nhô ra xa quá như mũ cào cào và đa số mũ dual sport có thể đeo kính cào cào bên trong mà vẫn đóng được kính gió ngoài.
Đại diện tiêu biểu của dòng này thường gặp ở Việt Nam là: AGV AX8 EVO, Shoei Hornet DS, Arai Tour Cross 3 / XD4, LS2 MX436,…
Sử dụng tốt nhất cho: Xe adventure như Ducati Hyperstrada, MV Agusta Stradale, BMW GS, Honda Africa Twin / NC700X, Benelli TRK 502,…
Mục đích sử dụng: Tour dài ngày, chạy đường hỗn hợp có cả đường nhựa, đường xấu và có cả off-road.
6. Mũ cào cào motocross / MX:
Mũ cào cào chính hiệu thường không bao giờ có kính gió, và cũng không bao giờ gắn được kính gió lên mà chỉ có thể đeo kính cào cào. Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng có thể mua mũ cào cào rồi mua thêm kính gió gắn ra ngoài sau, nhưng không có chuyện đó đâu, vì mũ cào cào không có ngàm giữ kính. Lý do mà mũ cào cào cần phải đeo kính quai chun ốp sát mặt bởi vì kính gió dù có đóng kín thì khi chạy off-road vẫn luôn luôn có bụi bặm cuốn vào từ cằm lên do đặc điểm của khí động học, nên kính gió không thể cản được, mà chỉ có thể nhờ vào kính cào cào chuyên dụng với lớp viền mút áp sát mặt chắn kín xung quanh mắt để chắn bụi. Mái che mũ cào cào cũng rất dài, không phải để che nắng mà để… chắn bùn, bởi khi off-road bánh sau xe phía trước sẽ hất bùn đất lên thành đường cong như đuôi gà bắn vào xe phía sau, hoặc thậm chí chính bánh sau của xe mình cũng cuốn bùn đất hất lên phía trước, nên cần có mái để che lại.
Đại diện tiêu biểu: Fox V1/V2/V3, Airoh (ít gặp ở Việt Nam), Troy Lee Design, Shoei VFX-W, Arai MX-V, HJC FG-X / RPHA-X
Sử dụng tốt nhất cho: Xe cào cào / supermoto Honda CRF, Yamaha WR, Suzuki DRZ, Kawasaki KLX, KTM EXC/SMC,…
Mục đích sử dụng: Chạy off-road
Trong bài này chỉ nói về các loại mũ cả hàm (full face), còn các loại mũ cổ điển thì cũng tương tự, chẳng qua là phiên bản có hình dáng cổ xưa của các loại mũ nói trên, phù hợp với những loại xe cổ hoặc giả cổ. Ngoài các loại mũ chính nói trên, còn có các loại mũ 3/4, 1/2 dùng cho xe ga hoặc đi phố, nhưng tác giả sẽ không đi chi tiết vào các loại này.
Bài tiếp theo Joker Helmet Shop sẽ giới thiệu về các loại quần áo bảo hộ và cách chọn loại quần áo bảo hộ phù hợp với xe và cách chạy, hãy đăng ký nhận thông báo để được cập nhật nhanh nhất khi bài viết được đăng nhé. Ngoài ra các bạn hãy đăng ký kênh YouTube của Joker Helmet Shop để nhận thông báo khi có video mới, chúng tôi liên tục cập nhật video sản phẩm, đánh giá và các buổi chạy tour đó đây.
Bài viết do Joker Helmet Shop biên soạn, vui lòng chia sẻ link gốc hoặc ghi rõ nguồn khi sao chép.