Hiện nay, các sản phẩm công nghệ cao đã trở thành trợ thủ đắc lực cho các biker để khắc phục những khiếm khuyết về vấn đề thông tin liên lạc khi chạy moto, với các giải pháp như bộ đàm, intercom và bluetooth. Tuy nhiên, đa số chúng ta vẫn đang sử dụng sai, lẫn lộn những khái niệm này gây ảnh hưởng đến việc hiểu đúng tác dụng của từng loại. Bài viết này của Joker Helmets sẽ giúp tách bạch những điểm khác nhau của 3 loại công nghệ liên lạc này.
Bộ đàm
Bộ đàm là từ ghép Hán – Việt xuất phát từ nguyên gốc tiếng Anh “walkie-talkie” (walk là đi bộ hay có nghĩa là “bộ”, talk là nói chuyện hay có nghĩa là “đàm”). Bộ đàm là thiết bị liên lạc thu phát 2 chiều (two-way transceiver) dùng sóng radio (có thể là FM, VHF hoặc UHF) nên có khả năng truyền xa lên đến vài kilomet, xuyên vật cản tốt. Nếu có công suất lớn như loại trang bị trên taxi thì tầm hoạt động có thể lên tới vài chục kilomet. Bộ đàm được sáng chế ra từ thời Chiến tranh Thế giới thứ II nên công nghệ khá cũ, nhưng do hiệu quả nên vẫn được sử dụng tới ngày nay.
Mặc dù là thiết bị liên lạc 2 chiều, nhưng bản chất của bộ đàm là half-duplex (bán song công, nghĩa là cả thu và truyền đều chung 1 tần số nên sẽ không thể thu trong lúc đang truyền), cách thức sử dụng bộ đàm là Push-To-Talk (PTT, có nghĩa là “bấm để nói”). Chính vì vậy, trong lúc đang bấm để nói thì sẽ không thể nghe được. Nói xong thì thường phải báo hiệu “hết” (over) ở cuối câu để người khác biết, trừ khi bộ đàm được trang bị tính năng bíp khi nhả nút PTT. Ai hay xem phim có thể sẽ từng thấy cảnh sát hoặc quân đội khi dùng bộ đàm thường phải dùng những câu như “nghe rõ trả lời” (do you copy) khi phát sóng và bên kia nếu nghe được sẽ trả lời “copy” hoặc “roger” để xác nhận, hoặc “hết” khi nói xong mỗi câu để báo hiệu mình đã dừng, để người đối thoại biết mà bắt đầu nói. Đó chính là vì bộ đàm hoạt động theo nguyên lý phát sóng (broadcasting) và bất kì thiết bị nào cùng tần số trong vùng phủ sóng đều có thể nghe được và hai bên không thể vừa nói vừa nghe, khi nói thì không nghe được, nên bắt buộc phải có sự xác nhận đã nghe được và xác nhận ngừng nói thì bên kia mới có thể bắt đầu nói.
Bộ đàm cũng không đòi hỏi phải ghép đôi (pairing) để có thể liên lạc, mà chỉ cần cài đặt chung tần số là được. Do đó, chỉ cần ở trong tầm phủ sóng thì có thể phát cho bao nhiêu thiết bị nghe cũng được. Tuy nhiên, vì không cần ghép đôi nên chúng ta không biết được là phía bên kia có đang nghe được chúng ta nói hay không, mà chỉ đơn giản là ta phát đi tín hiệu, bên kia thu được thì nghe, không thì thôi.
Một số bộ đàm được trang bị nút SOS, khi khẩn cấp chỉ cần nhấn giữ thì tất cả các máy sẽ hú lên để báo hiệu, rất hữu ích trong trường hợp khẩn cấp. Chỉ mới tuần trước (tháng 7/2020), có một vụ việc được chia sẻ rộng rãi đó là một biker trong lúc đi Tà Xùa đã dựng chân chống chiếc BMW GS1250 cạnh vực để chụp ảnh, chiếc xe sau đó bị đổ xuống vực kéo cả người theo, tuy nhiên biker này chỉ lắp intercom trên mũ bảo hiểm mà không có bộ đàm, thêm vào đó cũng bị nhầm lẫn giữa 2 khái niệm bộ đàm và intercom, nên trong lúc đang cố bám ở bờ vực đã không thể liên lạc với đồng đội để cầu cứu do tầm hoạt động của intercom rất ngắn.
Ưu điểm của bộ đàm:
- Tầm hoạt động rộng lớn, sóng truyền xuyên vật cản tốt
- Không giới hạn số lượng thiết bị có thể liên lạc, chỉ cần đúng tần số
- Công nghệ lâu đời, giá rẻ
- Có nút SOS để báo hiệu khi gặp nạn
Nhược điểm của bộ đàm:
- Phải bấm giữ nút để nói, hơi khó khi chạy xe
- Đang nói thì không nghe được
- Muốn dùng với mũ bảo hiểm phải có dây nối hoặc bộ chuyển đổi bluetooth có nút PTT
Thiết bị bộ đàm điển hình: Motorola, Kenwood, iCom,…
Intercom
Các thiết bị hiện đại dựa trên công nghệ bluetooth thường được gọi là thiết bị intercom (khác với bộ đàm, nhưng rất thường xuyên bị gọi nhầm là bộ đàm, gây xáo trộn khái niệm). Vì chỉ mới xuất hiện gần đây nên thực tế chưa có từ nào trong tiếng Việt để gọi cho đúng, tuy nhiên chúng ta có thể gọi là thiết bị hội đàm, bởi cách thức hoạt động của nó giống như một cuộc hội đàm (sẽ giải thích ở dưới).
Intercom là thiết bị đàm thoại 2 chiều (two-way) song công toàn phần (full-duplex), nghĩa là nó cho phép nghe và nói cùng một lúc trên 2 tần số khác nhau, đặc biệt là nó hoàn toàn rảnh tay, không cần phải bấm nút để nói. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa bộ đàm và intercom.
Intercom cần phải ghép đôi (pairing) để các thiết bị nhận nhau thì mới có thể liên lạc được. Do sử dụng sóng bluetooth và công suất nhỏ, nên các thiết bị intercom thường không có tầm phát sóng xa, không xuyên vật cản tốt, kể cả các thiết bị đắt tiền như Cardo, Sena (thực tế chỉ được tốt nhất trong tầm đôi ba trăm mét, ở điểm này thì Joker Helmets Shop có kinh nghiệm sử dụng thực tế nên luôn cảnh báo thật thà với khách hàng, bởi vì nhà sản xuất quảng cáo lên đến 8-10 kilomet và nhiều shop khác đã dựa vào đó quảng cáo chưa đúng thực tế, khiến khách hàng trông đợi rồi hụt hẫng). Lý do nhà sản xuất “dám” quảng cáo khoảng cách hoạt động tới 8-10km thậm chí 15km là vì họ “chơi chữ” để lách luật (không sợ bị kiện vì quảng cáo sai sự thật), họ tính khoảng cách lý tưởng từ điểm đầu tới điểm cuối bởi vì intercom kết nối theo kiểu bắc cầu, ví dụ sản phẩm cho phép kết nối tối đa 15 người, khoảng cách lý thuyết cho phép giữa 2 người là 1km, thì từ người đầu tiên tới người cuối cùng sẽ được 15km, còn trên thực tế nếu chúng ta chỉ đi 2 người thì chỉ được 1km mà thôi.
Chính vì phải ghép đôi, cho nên nếu là intercom công nghệ cũ, chúng ta sẽ phải ghép A với B, B với C, C với D và cứ thế theo cách bắc cầu. Khi di chuyển, nếu một mắt xích bị đứt kết nối thì nhóm intercom sẽ bị tách thành các nhóm nhỏ cho đến khi mắt xích bị đứt được kết nối trở lại. Chính vì để khắc phục nhược điểm này, Cardo đã ra mắt công nghệ DMC và Sena là Mesh, sử dụng kết nối đa điểm như tấm lưới (mesh) để khi có sự đứt gãy kết nối thì không ảnh hưởng tới phần còn lại.
Về tác dụng thì intercom vượt trội hoàn toàn so với bộ đàm, bởi nó hoạt động như một buổi hội đàm đa phương, tất cả mọi người trong cuộc hội đàm đó đều có thể nghe và nói cùng lúc như đang ngồi cạnh nhau vậy.
Ưu điểm của intercom:
- Hội đàm đa phương rảnh tay, không cần phải bấm nút để nói
- Đứt kết nối là biết ngay
Nhược điểm của intercom:
- Công nghệ mới đắt tiền
- Tầm phủ sóng ngắn hẹp, xuyên vật cản kém
- Phải ghép đôi phức tạp trước khi có thể sử dụng
Thiết bị intercom điển hình: Vimoto, Sena, Cardo, N-com, Freedconn…
Bluetooth
Bluetooth có lẽ không cần phải nói nhiều vì có lẽ ai cũng biết, tuy nhiên Joker Helmets nhắc tới bluetooth trong bài này bởi vì vẫn có khách hàng lầm tưởng bluetooth là bộ đàm hoặc intercom.
Tai nghe Bluetooth đơn giản chỉ là để nghe gọi điện thoại, nghe nhạc, và một vài loại bluetooth có tích hợp thêm tính năng intercom 2 điểm hoặc đa điểm, chứ không phải tai bluetooth nào cũng có intercom.
Kết luận
Như vậy, Joker Helmets đã phân biệt rõ những điểm khác nhau giữa bộ đàm, intercom và bluetooth, hi vọng sẽ giúp cho các bạn hiểu rõ hơn để không bị nhầm lẫn khi lựa chọn giải pháp liên lạc. Khi chạy tour xa, anh em vẫn nên trang bị thêm cả bộ đàm bên cạnh intercom, để có thể liên lạc ở tầm xa hơn trong trường hợp khẩn cấp. Bởi nhiều người nhầm lẫn 2 khái niệm, gọi intercom là bộ đàm, nên đã nghĩ rằng “có rồi thì mua thêm làm gì”, nhưng đó là suy nghĩ sai lầm.
Bài viết bản quyền thuộc về Joker Helmet Shop, vui lòng ghi rõ nguồn khi chia sẻ.