Phân biệt đúng khái niệm real, authentic, fake, rep, OEM và aftermarket

Gần đây, trên các mạng xã hội và nhiều trang bán hàng có những khái niệm như hàng real, authentic, fake, rep, OEM và aftermarket, tuy nhiên do nhiều người có vốn ngoại ngữ hạn hẹp, hiểu sai và rồi sử dụng sai, hoặc thậm chí hiểu đúng nhưng cố tình sử dụng sai để làm nhập nhèm, kéo theo hệ lụy là những người khác đọc được cũng hiểu sai theo. Do đó, với tư cách là người bán hàng đã có bằng cử nhân về ngoại ngữ, chúng tôi cảm thấy cần phải làm rõ ý nghĩa của các khái niệm để giúp khách hàng Phân biệt đúng khái niệm real, authentic, fake, rep, OEM và aftermarket, tránh khỏi nhầm lẫn.

Khái niệm hàng Real, Authentic

Như nghĩa đen của nó trong tiếng Anh, hàng Real hay Authentic đều có chung ý nghĩa là hàng thật, hàng xịn, hàng chính hãng. Cái này có lẽ hầu hết mọi người đều hiểu đúng.

Hàng fake

Nghĩa đen của fake là giả, vậy hàng fake chính là hàng giả, đúng như nghĩa đen của nó.

Hàng rep

Rep là viết tắt của Replica, là mô phỏng lại, nhái lại, để ám chỉ loại hàng nhái có độ chính xác tuyệt đối hoặc gần như bản gốc, khó có thể phân biệt. Tóm lại thì đây là một loại hàng giả. Tuy nhiên, cần lưu ý là một số mũ bảo hiểm hàng xịn chính hãng đặt tên có chữ Race Replica, hoặc chỉ độc một chữ Replica với ý nghĩa nó được mô phỏng theo thiết kế cá nhân của một tay đua hay người nổi tiếng nào đó, chứ không phải để chỉ hàng giả.

Hàng OEM

Đây chính là khái niệm bị đánh tráo nhiều nhất. Rất nhiều nơi bán hàng fake nhưng gọi là hàng OEM để né tránh việc dùng từ fake (có thể để nghe cho nó sang???). Tuy nhiên, OEM không phải fake, hiểu như thế là sai! OEM là viết tắt của Original Equiment Manufacturer (có nghĩa là nhà sản xuất trang thiết bị gốc). Để hiểu ý nghĩa của từ này, ta lấy ví dụ như sau: Hãng Honda cần sản xuất mũ bảo hiểm gắn thương hiệu Honda để tặng khách hàng, tuy nhiên họ không phải nhà sản xuất mũ bảo hiểm và không có nhà máy hay trang thiết bị để sản xuất mũ bảo hiểm, nên họ phải thuê bên thứ 3 là công ty HJC chuyên sản xuất mũ bảo hiểm để sản xuất cho họ và gắn mác Honda, do vậy chúng ta thấy mũ Honda WinnerX chính là mũ HJC Cool được gắn mác Honda. Trong trường hợp này, HJC là OEM (là nhà sản xuất trang thiết bị gốc) cho Honda, và mũ Honda WinnerX là hàng OEM.

Do đó, nghĩa đúng của OEM là hàng XỊN, không phải hàng fake.

Hàng aftermarket (hay bên thứ ba)

Do nhiều người có suy nghĩ rằng hàng hóa phải do chính hãng sản xuất ra mới được gọi là hàng thật, hàng chính hãng, nên lại mặc nhiên coi hàng của bên thứ ba sản xuất là hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, đây là cách hiểu sai hoàn toàn. Hãy lấy một ví dụ với ngành máy ảnh:

Canon là hãng sản xuất máy ảnh nổi tiếng thế giới, họ sản xuất cả máy ảnh và ống kính máy ảnh mang thương hiệu Canon. Tuy vậy, trên thị trường có tồn tại hai hãng lớn là Sigma và Tokina chuyên sản xuất ống kính lắp được cho thân máy ảnh Canon, và ống kính của họ được mang thương hiệu Sigma, Tokina chứ không mang thương hiệu Canon. Đây gọi là hàng aftermarket (hay còn gọi là hàng độ, hàng for, hàng bên thứ ba). Cũng tương tự trường hợp Canon, mũ bảo hiểm Arai và Shoei cũng có nhiều bên thứ ba sản xuất phụ kiện gắn vừa cho mũ của họ, ví dụ như Yamashiro là một hãng lớn của Nhật chuyên sản xuất kính phụ kiện cho Shoei, Arai nhưng không phải là công ty con hay có liên quan gì tới Shoei, Arai. Hoặc xét ví dụ về xe, chúng ta có trường hợp Ohlins, hãng này sản xuất phuộc lắp vừa cho các loại xe của hãng khác, nhưng không thể gọi Ohlins là hàng fake.

Hàng bên thứ ba là hàng THẬT, không phải hàng nhái. Nó chỉ là hàng nhái khi không có nhãn mác rõ ràng, hoặc không phải của chính hãng nhưng lại bị làm giả nhãn mác của chính hãng.

Kết luận

Như vậy, Joker Helmet Shop đã giải nghĩa để các bạn hiểu rõ hơn về các khái niệm hàng hóa. Một khi bạn đã nắm rõ ý nghĩa các khái niệm thì các bạn sẽ không bị những người bán gian dối lợi dụng sự nhập nhèm để bán hàng giả với giá hàng thật. Hãy chia sẻ để người thân và bạn bè cùng đọc nhé.

 

 

Tagged , ,
X