Ai đã từng chạy xe đội mũ kín mít thì có lẽ đều nhận thấy việc ra hiệu bằng tay là chưa đủ, đặc biệt là trong những tình huống cần cảnh báo khẩn cấp như chướng ngại vật, hết xăng, sự cố hoặc đơn giản là muốn dừng lại để chụp ảnh hay để… đi tè!!!
Tuy nhiên do sự vướng víu của chiếc mũ bảo hiểm và bộ đồ bảo hộ, cùng với sự đa dạng của công nghệ, việc chọn được một giải pháp liên lạc phù hợp với số lượng thành viên của đoàn xe và phù hợp mặt bằng kinh tế chung của tất cả thành viên rất phức tạp.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành công nghệ, cộng với kinh nghiệm chạy xe thì Joker Helmet Shop sẽ chia sẻ tất tần tật từ A đến Z về những giải pháp liên lạc cho các đoàn xe hiện có, cùng với phân tích rõ ưu, nhược của từng giải pháp. Nếu cần thiết hãy liên lạc ngay với Joker Helmet Shop theo số máy 0947 60 90 85 để được tư vấn rõ hơn.
Để có một cái nhìn toàn diện, ta có thể liệt kê các thuộc tính của từng giải pháp như sau:
– Kết nối dùng dây
– Kết nối dùng sóng:
– Đàm thoại 2 chiều 1 luồng (đang nghe thì không nói, đang nói thì không nghe)
– Đàm thoại 2 chiều 2 luồng (2 người vừa nói vừa nghe được cùng lúc)
– Đàm thoại 2 chiều đa luồng (nhiều người vừa nói vừa nghe được cùng lúc, hay còn gọi là hội đàm)
– Bán kính hoạt động: xa hay gần
– Số điểm kết nối: 1-1 (chỉ 2 người nói chuyện) hay 1-nhiều (nhiều người kết nối nói chuyện cùng lúc)
Dựa vào các thuộc tính trên, chúng ta có thể tìm được giải pháp phù hợp với quy mô của từng đoàn. Xin mời xem tiếp chi tiết từng giải pháp bên dưới.
1. Bộ đàm (walkie talkie radio) và bluetooth intercom: Cách phân biệt
– Bộ đàm (walkie talkie radio): Bộ đàm có lẽ không quá xa lạ vì nó là công nghệ đã có từ rất lâu và ứng dụng ở mọi nơi xung quanh ta, ví dụ như taxi/tổng đài, công an cảnh sát, sân khấu, nhà hàng, v.v…
Bản chất bộ đàm là 1 máy thu/phát sóng vô tuyến, đặc điểm của bộ đàm là đàm thoại 2 chiều 1 luồng thoại – tức là khi đang nói sẽ không nghe được. Tuy nhiên, vì là thiết bị thu phát sóng vô tuyến dạng broadcast cho nên bộ đàm chỉ cần chỉnh đúng tần số là có thể liên lạc được mà không bị giới hạn số lượng, không cần ghép đôi với nhau. Bộ đàm tùy theo công suất có thể phát sóng xa tới nhiều kilomet và xuyên qua các vật cản kể cả nhà cao tầng hay núi đá. Tuy nhiên do chỉ cần trùng tần số là liên lạc được, nên người ngoài cũng có thể nghe được.
Ưu điểm: Công nghệ cũ, giá rẻ, nhiều lựa chọn, không cài đặt phức tạp, không giới hạn số lượng, tầm hoạt động rất xa, thao tác vận hành đơn giản, sử dụng được cả trong đoàn có lẫn moto/ô tô.
Nhược điểm: Không hội đàm rảnh tay được (phải bấm nút để nói), dễ bị người ngoài nghe được hoặc người ngoài nói chen vào khi vô tình trùng tần số.
– Bluetooth intercom: Là công nghệ mới hơn, bluetooth khắc phục được nhiều nhược điểm của bộ đàm, nhưng cũng có nhiều nhược điểm do hạn chế về công nghệ.
Ưu điểm: Công nghệ mới, đa luồng (nói và nghe được cùng lúc), có thể hội đàm (nhiều người cùng nói và nghe một lúc), riêng tư hơn (thiết bị phải ghép đôi trước với nhau, nên không thể bị người ngoài chen vào), rảnh tay (không cần bấm nút khi nói).
Nhược điểm: Đắt đỏ, tầm hoạt động ngắn (vài trăm mét), thao tác phức tạp, nhiễu mạnh khi có vật cản, hay rớt kết nối, số lượng bị giới hạn.
Riêng về công nghệ bluetooth thì tùy vào độ xịn của sản phẩm, ta lại có những thứ sau để cân nhắc:
– Số điểm kết nối và số luồng âm thanh:
– Các bộ bluetooth intercom cơ bản thường chỉ có thể kết nối cùng lúc tới 1 bộ khác, nghĩa là chỉ có 2 người nói chuyện được với nhau. Các bộ rẻ cũng chỉ có 1 luồng âm thanh duy nhất tại một thời điểm, nên ví dụ nếu đang nói chuyện thì thôi nghe nhạc, mà đang nghe nhạc thì thôi nói chuyện. Sản phẩm tiêu biểu: Vimoto V3/V6/V8.
– Một số loại bluetooth khác cho phép kết nối tới 5 bộ khác (tổng 6 điểm kết nối), nhưng chỉ lần lượt từng điểm, muốn nói chuyện với ai phải chuyển kết nối. Ví dụ: Từ A tới B, từ A tới C, từ A tới D, A tới E, A tới F… chứ không phải là ABCDEF cùng lúc. Sản phẩm tiêu biểu: Interphone G6.
– Các loại bluetooth cao cấp hơn có thể nối cùng lúc 5-6 điểm: ABCDEF cùng hội đàm được. Tuy nhiên công nghệ cũ hoạt động theo cách bắc cầu, nghĩa là theo quảng cáo khoảng cách tối đa 1km nghĩa là bắc cầu từ A-B-C-D-E-F mỗi cái 200m. Nếu kết nối bị đứt ở C-D thì sẽ bị tách thành 2 nhóm ABC, DEF (người ở ABC không thể nghe được của DEF và ngược lại). Sản phẩm tiêu biểu: Sena SMH10.
– Một số loại bluetooth mới ra và đắt tiền (tính tới thời điểm viết bài) có khả năng kết nối theo dạng mạng lưới (mesh) thay vì bắc cầu thì sẽ khắc phục được tình trạng đứt gãy làm tách thành nhóm nhỏ, bởi mỗi điểm sẽ kết nối với tất cả các điểm còn lại. Ngoài ra, các loại đắt tiền này hỗ trợ âm thanh đa luồng, nghĩa là cùng lúc bạn có thể vừa nghe nhạc, vừa đàm thoại, vừa nghe GPS chỉ đường, tuy nhiên nhược điểm là thao tác rất phức tạp và giá cả siêu đắt. Sản phẩm tiêu biểu: Cardo Packtalk.
Là biker thường xuyên đi cùng đoàn, là người sử dụng các phương tiện liên lạc đồng thời là thạc sĩ công nghệ thông tin với kinh nghiệm làm việc lâu năm nên Joker Helmet Shop tự tin có đủ kiến thức để tư vấn và đưa ra giải pháp phù hợp với nhu cầu của các đoàn moto. Do khuôn khổ bài viết không thể viết quá dài, nếu có nhu cầu tư vấn kĩ hơn xin vui lòng liên hệ với Joker Helmet Shop theo số máy 0947 60 90 85.
Bản quyền bài viết của Joker Helmet Shop, xin vui lòng chỉ chia sẻ link, không copy nội dung bài viết.